Tin Nóng

Top 3 bệnh trên cây dâu tây thường gặp nhất và cách điều trị

Trong nông nghiệp, cây dâu tây là một trong những loại cây ăn trái ngắn ngày mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Quả dâu tây giàu dinh dưỡng, có hương vị thơm ngon rất tốt cho sức khỏe nên được mọi người vô cùng ưa chuộng. Nhu cầu thị trường lớn cùng với giá bán cao khiến cây dâu tây được nhiều nông dân ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và các tỉnh miền núi phía Bắc chọn để phát triển các mô hình nông nghiệp.

Tuy vậy, trồng dâu tây cũng có nhiều rủi ro. Trong đó, bệnh gây hại cho cây trồng khiến cây chậm phát triển, cho năng suất quả thấp, cây chết là một trong những mối nguy hàng đầu với người trồng dâu tây. Để phòng ngừa và đối phó kịp thời với các bệnh trên cây dâu tây, bà con cần nắm rõ biểu hiện, nguyên nhân để có cách khắc phục kịp thời. 

1. Bệnh trên cây dâu tây – bệnh phấn trắng 

Bệnh phấn trắng là một trong những bệnh hại vô cùng nguy hiểm đối với cây dâu tây. Đã có thời điểm, dịch phấn trắng gây hại cây dâu tây đẩy người nông dân tại Đắk Nông xuống bờ vực phá sản chỉ vì phát hiện bệnh quá trễ. Căn bệnh này có thể lây lan trên diện rộng nếu không được phát hiện kịp thời. Vì vậy, trồng dâu tây, bà con nên nắm rõ các biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục để đối phó tốt nhất với bệnh phấn trắng. 

Biểu hiện của bệnh phấn trắng trên cây dâu tây: 

  • Giai đoạn mới phát bệnh, trên lá và thân cây sẽ xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng.

  • Sau một thời gian, những đốm vàng sẽ dần chuyển sang màu trắng bao phủ toàn bộ thân, lá cây. 

  • Trên lá, thân, trái của cây dâu tây phủ một lớp phấn mỏng như màu nấm mốc. 

  • Lá cây bị bệnh thường cuộn tròn lên trên để lộ ra một lớp bột màu trắng phía sau lá. 

  • Khi bệnh phấn trắng chuyển nặng, lá và quả của cây dâu tây sẽ khô, cháy rồi rụng.

benh-tren-cay-dau-tay-1

Quả dâu tây bị phấn trắng (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh phấn trắng ở cây dâu tây: 

Bệnh phấn trắng ở dâu tây thường xuất hiện từ thời kỳ cây con. Tác nhân chủ yếu gây bệnh là do nấm Sphaerotheca pannosa gây ra. Loài nấm này thường phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, độ ẩm trong không khí cao. Nguyên nhân gây bệnh nấm trắng chủ yếu là do mầm bệnh theo gió phát tán từ cây bị bệnh sang cây khỏe mạnh. 

Bệnh phấn trắng gây hại làm ảnh hưởng đến các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến thời kỳ ra hoa, kết trái của cây. Bởi nấm phấn trắng có khả năng lây lan rất nhanh. Nấm trắng cũng có thể tự hình thành mà không cần phụ thuộc vào độ ẩm trên lá.

Cách khắc phục bệnh nấm trắng ở cây dâu tây

Khi phát hiện cây dâu tây bị nấm trắng, trước tiên, bạn nên cắt bỏ các cành, lá, quả có dấu hiệu của bệnh mang đi tiêu hủy để tránh mầm bệnh lây lan. Sau đó, bà con nên tiến hành áp dụng các phương pháp hóa học để điều trị bệnh cho cây. Bà con có thể phun một trong những loại thuốc sau để diệt trừ và phòng ngừa nấm trên cây như: Saizole 5SC, Anvil 5SC, Daconil 75 WP, Derosal 50SC…

Nấm trắng là một căn bệnh lây lan nhanh và để lại hậu quả lớn. Vì vậy, bà con nên chủ động phòng ngừa bệnh cho cây bằng cách:

  • Khi tiến hành trồng dâu tây, nên chọn giống tốt, chất lượng.

  • Trồng dâu tây nên trồng trên luống cao, trồng trên đất có độ thoát nước tốt.

  • Trồng cây ở khoảng cách hợp lý.

  • Dọn sạch tàn dư cây sau khi thu hoạch nhằm hạn chế nguồn bệnh còn tồn tại trong đất. 

2. Bệnh trên cây dâu tây – bệnh đốm đen

Bệnh đốm đen cũng là một trong những bệnh hại cây trồng thường gặp ở dâu tây. Bệnh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và năng suất quả của cây trồng 

Biểu hiện của bệnh đốm đen trên cây dâu tây: 

Bệnh đốm đen ở dâu tây thường có biểu hiện rõ nhất trên quả chín. Khi quả bắt đầu chín, bên ngoài quả sẽ xuất hiện những đốm tròn nhỏ có màu nâu. Những đốm tròn nhỏ sẽ sậm màu dần, sau đó chuyển sang màu đen hoàn toàn. 

Nếu quả dâu tây nhiễm bệnh trước khi chín, toàn bộ trái sẽ bị đen, héo và rụng. Bệnh đốm đen ở dâu tây còn có khả năng lây lan trong quá trình vận chuyển, bảo quản làm cho trái bị hư hỏng nặng hơn. 

benh-tren-cay-dau-tay-2

Bệnh đốm đen có biểu hiện rõ nhất trên quả chín (Ảnh: Sưu tầm)

Nguyên nhân gây bệnh đốm đen ở cây dâu tây: 

Tác nhân gây bệnh đốm đen ở dâu tây là nấm Colletotrichum acutatum. Nấm bệnh đốm đen ở dâu tây có thể xâm nhiễm lên lá, trái xanh. Sau khi xâm nhiễm, nấm bệnh thường sẽ tồn tại ở dạng tiềm sinh. Khi quả dâu tây bắt đầu chín, nấm bệnh mới bắt đầu phát sinh và có những biểu hiện cụ thể. 

Bào tử nấm bệnh đốm đen thường lây lan thông qua hệ thống tưới, nước mưa và gió. Trong ruộng dâu, nấm bệnh đặc biệt có thể lây lan do những giọt bắn của vòi nước khi tưới, do trời mưa nặng hạt hoặc lan truyền trong quá trình chăm sóc, cắt tỉa, thu hái. 

Cách khắc phục bệnh đốm đen ở cây dâu tây:

Khi phát hiện vườn dâu tây có những cây có biểu hiện của bệnh đốm đen. Bà con nên nhanh chóng đề ra những biến pháp xử lý. Trước hết, nên cắt tỉa cành lá, quả của những cây bị bệnh mang đi tiêu hủy lá. Đối với những cây bị bệnh nặng nên bỏ hoàn toàn cây để tránh lây sang cây khác. 

Tiến hành bón phân đầy đủ để giúp cây sinh trưởng,  phát triển tốt, giúp tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hại. Sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Propiconazole để phòng ngừa và điều trị đốm đen cho cây dâu tây. 

Trong trường hợp bệnh lây lan mạnh, khó kiểm soát, bà con nên sử dụng các loại thuốc hóa học để tiêu diệt hoàn toàn nấm bệnh như Super Tank 650WP, Overamis 300SC, Dipcy 750WP,…

3. Bệnh trên cây dâu tây – bệnh đốm mắt rắn

Bệnh đốm mắt rắn hay còn được gọi là bệnh vằn lá, là một căn bệnh chủ yếu gây hại trên lá cây dâu tây. Bệnh làm cho lá cây mất khả năng quang hợp, dẫn đến chết lá, ảnh hưởng đến sức khỏe cây trồng. 

Biểu hiện của bệnh đốm mắt rắn trên cây dâu tây: 

  • Trên bề mặt lá cây dâu tây thường xuất hiện những đốm vằn như mắt rắn.

  • Cuống lá, cuống quả, ngó dâu đều có thể có những đốm vằn.

  • Ban đầu, các đốm vằn thường nhỏ và có màu tím đậm. Sau đó, các đốm nhỏ dần lan rộng thành hình tròn có đường kính từ 1 – 4mm. Xung quanh đốm có viền màu nâu đỏ hoặc tím thẫm, chính giữa có màu nâu xám tựa như mắt rắn. 

  • Khi bệnh diễn biến nặng, toàn bộ bề mặt lá đều xuất hiện những đốm vằn. Các đốm vằn bao phủ toàn bộ lá dẫn đến tình trạng chết lá.

benh-tren-cay-dau-tay-3

Biểu hiện của đốm mắt rắn trên lá cây (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh đốm mắt rắn ở cây dâu tây: 

Nguyên nhân gây bệnh đốm mắt rắn ở cây dâu tây chủ yếu là do mầm bệnh truyền từ cây bệnh sang cây khỏe mạnh. Bào tử thường hình thành trong mùa xuân, ký sinh trên lá khô, mầm bệnh lây lan nhanh trong không khí.

Loại bệnh này thường bùng phát mạnh mẽ trong mùa có độ ẩm cao, thường rơi vào khoảng mùa xuân đến mùa thu. Bệnh bùng phát nghiêm trọng trên cây giống và trên ruộng đang có thời gian nghỉ hoặc  ruộng có rạ quá dày. Đặc biệt, bệnh thường phát sinh trên lá già, trên những cây bón phân không đủ hoặc tưới quá nhiều nước .

Cách khắc phục bệnh đốm mắt rắn ở cây dâu tây 

Khi phát hiện cây có dấu hiệu của bệnh đốm mắt rắn, bà con cần nhanh chóng ngắt bỏ những lá bệnh, lá già rồi mang đi tiêu hủy. 

Thời kỳ đầu cây nhiễm bệnh, bà con tiến hành phun sương dung dịch Chlorothalonil 500 – 700 nồng độ 70%, Captain 400, Topsin 1.000 nồng độ 70%, hoặc dung dịch Mancozeb 350 – 400 nồng độ 70%.  Mỗi lần phun cách nhau 10 ngày, phun từ 2 – 3 lần tùy tình trạng bệnh.

Bài viết vừa giới thiệu đến bạn top 3 bệnh trên cây dâu tây thường gặp nhất và cách điều trị, khắc phục bệnh. Để hạn chế tối đa tình trạng nhiễm bệnh của cây dâu tây, khi trồng cây, bà con nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh hợp lý, đúng cách. 

 >>> Xem thêm: Nhu cầu dinh dưỡng và cách bón phân cho cây dâu tây trồng thủy canh

 – Thông tin tham khảo được Bác Sĩ Nông Nghiệp tổng hợp – 

Nguồn : https://agridoctor.vn/vi/trong-trot-4/Tra cứu bệnh nông nghiệp

Check Also

Swissfertz 16-16-16+Te – Giải Pháp Phân Bón Hoàn Hảo Cho Cây Trồng

I. Giới thiệu về phân bón Swissfertz 16-16-16+TE Phân bón Swissfertz 16-16-16+TE là một sản …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: