Khởi sắc trên “cồn Rồng”
02/03/2021 – Lượt xem: 453
Trên dòng sông Tiền có nhóm 04 cù lao nằm xúm xít nhau vốn có từ lâu đời với tên gọi thuộc nhóm tứ linh là “long, lân, quy, phụng”, trong đó cù lao Thới Sơn ngày xưa có tên gọi cồn Lân, cồn Quy, cồn Phụng (thuộc tỉnh Bến Tre) và cồn Long (hay còn gọi là “cồn Rồng”, sau này có tên là cồn Tân Long) hiện là phường Tân Long thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Với vị thế đặc trưng nằm giữa sông Tiền nhưng gần với trung tâm thành phố Mỹ Tho, phường Tân Long đang được từng bước khai thác tiềm năng dịch vụ và du lịch
Trên dòng sông Tiền có nhóm 04 cù lao nằm xúm xít nhau vốn có từ lâu đời với tên gọi thuộc nhóm tứ linh là “long, lân, quy, phụng”, trong đó cù lao Thới Sơn ngày xưa có tên gọi cồn Lân, cồn Quy, cồn Phụng (thuộc tỉnh Bến Tre) và cồn Long (hay còn gọi là “cồn Rồng”, sau này có tên là cồn Tân Long) hiện là phường Tân Long thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Với vị thế đặc trưng nằm giữa sông Tiền nhưng gần với trung tâm thành phố Mỹ Tho, phường Tân Long đang được từng bước khai thác tiềm năng dịch vụ và du lịch.
Một góc phường Tân Long.
*Từ một “cồn Rồng” hoang sơ xa xưa
Theo những bậc cao niên kể lại, tên “cồn Rồng” xuất phát từ có một con thuồng luồng rất lớn (ông Cù) trầm mình trú ẩn dưới đáy sông Tiền, qua hàng trăm năm rong rêu, phù sa bồi đắp dần hình thành nên một cái cồn. Vào khoảng những năm 1788, giữa sông Tiền đã nổi lên một gò ban đầu còn nhỏ nhưng nhờ dòng nước bồi đắp nên ngày càng lớn hơn. Đến năm 1872, gò đất đã nổi cao lên khỏi mặt nước thành cái cồn với loại cây ban đầu là cây thủy liễu (còn gọi là cây bần), mắm… mọc um tùm. Lúc này, một đại địa chủ có tiếng giàu nhất xứ Định Tường (tên gọi của Mỹ Tho trước đây) tên là Mầu đã cho người qua thăm dò, đồng thời tuyên bố rằng đây là đất của ông ta khai phá. Ông ta đã cho mang những loại cây đặc sản của đất liền lúc bây giờ như mận hồng đào, nhãn long… qua trồng ở cồn này và phân công người túc trực để giữ; người dân ở đất liền không dám bén mảng đến.
Mãi đến khi chiếm xong Nam kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp thiết lập bộ máy đô hộ và bắt buộc địa chủ Mầu giao cồn Rồng lại cho chính quyền. Cũng theo một giai thoại kể lại rằng, người Pháp lúc bấy giờ cũng tin vào phong thủy của vùng đất “tứ linh” nên tìm cách để trấn yểm “long mạch” của xứ Định Tường để giảm bớt những cuộc kháng chiến chống Pháp của những người yêu nước bằng cách đem những bệnh nhân mắc bệnh phong qua “cồn Rồng” nhốt ở đây vào năm 1958. Trại phong lúc này được xem như là một ấp của xã Bình Đức, được quản lý bởi một bộ máy chính quyền do người Pháp lập ra, đến năm 1971 được dời ra Quy Hòa (Quy Nhơn ngày nay). Vì lý do này mà “cồn Rồng” còn có tên gọi khác là “cồn Cùi”. Đến vài năm sau thì người dân nghèo không có đất đai ở đất liền bắt đầu ra “cồn Rồng” để sinh sống và lập thành một làng sống bằng nghề đánh bắt, chài lưới, trồng cây ăn trái…, đồng thời nơi đây cũng trở thành nơi neo đậu các tàu thuyền của những nơi khác khi có mưa bão. Đất cồn được bồi đắp chủ yếu từ phù sa nên rất tốt để trồng cây ăn trái, do đó dần dần thu hút nhiều cư dân ở đất liền qua sinh sống và định cư ở đây.
*Đến một phường Tân Long trù phú hôm nay
“Cồn Rồng” có diện mạo mới từ năm 2005 khi không còn là một xã vùng ven, mà trở thành một phường trực thuộc thành phố Mỹ Tho có 803 hộ dân và là một phường trọng điểm của thành phố Mỹ Tho với tên gọi là Tân Long. “Tân Long” hàm chứa ý nghĩa “Rồng mới” với kỳ vọng phát triển được những tiềm năng kinh tế. Nằm giữa bốn bề sông nước mênh mông, phường Tân Long được bao bọc xung quanh là những rặng cây thủy liễu và vườn cây ăn trái (nhiều nhất là cây nhãn) và vườn dừa; nổi bật trên nền xanh là những căn nhà lầu và nhà ngói đỏ tươi… Một bến đò được đầu tư bài bản ở đường Trưng Trắc chạy thường xuyên để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân ở phường qua thành phố Mỹ Tho để làm ăn, học sinh đi học. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn phường đã được bê tông hóa, đặc biệt hai tuyến đường đầu cồn khu phố Tân Thuận và cuối đầu cồn khu phố Tân Bình có tổng chiều dài 159,5m, chiều rộng 2,7m đã được nâng cấp với kinh phí 136 triệu đồng giúp việc vận chuyển hàng hóa nông sản, đi lại của người dân thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Văn Vinh (75 tuổi), lập nghiệp ở phường Tân Long vào những ngày đầu mới thành lập, phấn khởi cho biết: “Trước đây, có ai nghĩ rằng cù lao Rồng nằm giữa sông Tiền lại có một bộ mặt khang trang như hôm nay!”.
Nhìn từ thành phố Mỹ Tho, phường Tân Long nổi bật giữa sóng nước của sông Tiền bởi màu ngói đỏ au của nhiều căn biệt thự và nhà lầu cùng đội ngũ tàu đánh bắt hải sản neo đậu san sát… Bà Lai Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Long cho biết: Ngành nghề chính của người dân trong phường chủ yếu là nông nghiệp, đánh bắt hải sản, đóng sửa ghe tàu; nghề phụ là dịch vụ du lịch, vận chuyển hàng hóa,… Hiện kinh tế phường khá ổn định với nhiều cơ sở sản xuất và dịch vụ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,8%. Toàn phường có 381 hộ kinh doanh xăng dầu, buôn bán tạp hóa, các dịch vụ khách sạn, đò ngang, cho thuê nhà trọ… với tổng mức kinh doanh ước tính 113 tỷ đồng; phường có 32 phương tiện đánh bắt thủy sản với sản lượng đánh bắt ước tính khoảng 15.500 tấn/năm; cả phường có 169 bè cá nuôi trên sông (chủ yếu là cá điêu hồng), sản lượng thu hoạch trong năm đạt 4.469 tấn cá… Giá trị khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản trong năm 2020 của phường trên 475 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn phường có 05 cơ sở sửa chữa ghe tàu, trong năm 2020 đã sửa chữa khoảng 310 phương tiện, doanh thu trên 03 tỷ đồng. Trong năm qua, Ủy ban nhân dân phường đã vận động nhân dân xây dựng, sơn sửa nhà ở, hàng rào khang trang, tạo vẻ mỹ quan trên địa bàn phường, góp phần cùng thành phố chỉnh trang đô thị văn minh, sạch đẹp. Người dân địa phương luôn có ý thức xây dựng nhà cửa, hàng rào khang trang, sạch đẹp, góp phần tạo vẻ mỹ quan trên địa bàn phường, đặc biệt là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được người dân nhiệt tình hưởng ứng, giúp phường Tân Long xây dựng thành công và được công nhận là xã văn hóa đầu tiên của thành phố Mỹ Tho vào năm 2001.
Trong tương lai, chính quyền và nhân dân phường Tân Long đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung vào phát huy thế mạnh thương mại – dịch vụ là chủ yếu. Với lợi thế phường nằm giữa sông Tiền và cũng là bến đậu lý tưởng cho hàng trăm chiếc tàu ngoài tỉnh đánh bắt xa bờ vào neo đậu nghỉ ngơi sau khi bán cá cho cảng cá Mỹ Tho, phường Tân Long phát triển các dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng và quán ăn cho các thuyền viên cùng người thân của họ trong thời gian chờ ra khơi. Đặc biệt, nằm trong cụm du lịch cồn “tứ linh” trên sông Tiền, phường Tân Long cũng là nơi mà khách du lịch trong và ngoài nước thích đến để tham quan. Nhờ vậy, cả phường có 150 hộ liên kết với các công ty du lịch để tham gia vận chuyển khách du lịch bằng đò, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một bộ phận người dân trong phường.
Cũng theo bà Lai Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Long, phường, ngành chức năng đã định hướng cho những hộ dân nằm trong khu quy hoạch du lịch sinh thái 20 ha trồng các loại cây ăn trái theo hướng phục vụ du khách cũng như giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường đảm bảo sạch, đẹp theo đúng nghĩa “du lịch xanh”, góp phần xây dựng phường Tân Long trở thành một địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Hữu Chí