Tin Nóng

Chợ Gạo: Phát triển du lịch nông nghiệp từ cây ca cao

Chợ Gạo: Phát triển du lịch nông nghiệp từ cây ca cao

14/02/2021 – Lượt xem: 305

Chợ Gạo là huyện nông nghiệp với 80% dân số sống bằng nghề nông. Nhắc đến huyện Chợ Gạo, chúng ta thường nghĩ ngay đến các cây trồng chủ lực như dừa, bưởi, thanh long…, tuy nhiên, còn có một loại cây trồng khác tuy chỉ là thu nhập phụ nhưng nếu được quan tâm chú trọng chăm sóc thì loại cây trồng này vẫn mang lại thu nhập ổn định trên cùng một đơn vị diện tích bên cạnh cây dừa, đó là cây ca cao.

Chợ Gạo là huyện nông nghiệp với 80% dân số sống bằng nghề nông. Nhắc đến huyện Chợ Gạo, chúng ta thường nghĩ ngay đến các cây trồng chủ lực như dừa, bưởi, thanh long…, tuy nhiên, còn có một loại cây trồng khác tuy chỉ là thu nhập phụ nhưng nếu được quan tâm chú trọng chăm sóc thì loại cây trồng này vẫn mang lại thu nhập ổn định trên cùng một đơn vị diện tích bên cạnh cây dừa, đó là cây ca cao.

http://tiengiang.gov.vn/

Du khách tham quan cơ sở sản xuất sô-cô-la.

Ca cao bén duyên trên vùng đất Chợ Gạo đã gần 20 năm với mô hình trồng xen trong vườn dừa. Những năm qua, do ảnh hưởng của hạn, mặn và nạn sóc ăn trái ca cao, giá cả ở mức thấp nên nhiều nông dân không còn mặn mà gắn bó với cây trồng này. Hiện nay, toàn huyện còn khoảng 20 ha ca cao tập trung ở các xã: Hòa Định, An Thạnh Thủy, Xuân Đông, Bình Ninh…

Trước nay, người dân chỉ thu hoạch trái ca cao tươi rồi bán cho các điểm thu mua. Tuy nhiên, tại ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh, nối nghiệp cha với tên gọi Ca cao Xuân Ron, anh Nguyễn Hải Yến và chị Nguyễn Ngọc Điệp đã tìm tòi nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ cây ca cao trên chính vùng đất quê hương mình, trong đó có sản xuất sô-cô-la và du lịch tham quan vườn ca cao.

Suốt hàng trăm năm nay, sô-cô-la luôn được xem là hương vị yêu thích của hàng tỉ người trên khắp thế giới. Đơn giản vì vị ngọt ngào xen lẫn chút đăng đắng rất đặc trưng cùng tác dụng tích cực của chúng cho sức khỏe người sử dụng. Những trái ca cao được tuyển chọn kỹ sẽ được lên men, phơi khô và rang với đôi bàn tay khéo léo của người thợ để đảm bảo không bị cháy xém, chín đều. Công đoạn bóc vỏ cũng thật tỉ mỉ để tránh làm vỡ hạt, việc cho ra thành phẩm nguyên vẹn và không bị vỡ trước khi làm sạch cũng rất quan trọng. Sau đó, những hạt ca cao được nghiền mịn, nghiền càng kỹ, chất lượng sô-cô-la càng cao. Bước xử lý nhiệt cuối cùng được thực hiện tỉ mỉ và rất cẩn thận để tạo ra những viên sô-cô-la hảo hạng nhất.

Hiện nay, thương hiệu sô-cô-la Alluvia của gia đình anh Nguyễn Hải Yến có 30 loại và trên 30 điểm trưng bày tại các tỉnh, thành trong cả nước. Không chỉ sản xuất sô-cô-la thủ công, với diện tích nhà trồng 02ha ca cao được chăm chút xanh tốt, trái thu hoạch nhiều nhất vào các tháng 5, tháng 6, tháng 11, tháng 12; do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Điệp và anh Yến nảy sinh ý tưởng mở điểm du lịch tham quan vườn ca cao, nhằm tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giúp du khách hiểu hơn về quá trình chăm sóc, nuôi trồng và sản xuất ca cao tại Việt Nam. 

Vườn ca cao Alluvia Chocolate đón khách các ngày trong tuần, nhưng đông nhất là vào những ngày cuối tuần. Ban đầu, chỉ một ít khách hàng mua sô-cô-la Alluvia, qua công tác giới thiệu, quảng bá du lịch và trải nghiệm thực tế, đến nay, có hàng trăm du khách đến thăm vườn và trải nghiệm cuối tuần. Theo nhiều du khách, sau những ngày làm việc mệt mỏi, cảm giác thăm vườn ca cao thực tế, chụp ảnh và được nghe thuyết minh về quá trình chăm sóc cây ca cao giúp tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Tại đây, khách du lịch còn được tham gia thu hoạch và bóc vỏ ca cao. Các du khách được thăm bên trong xưởng sản xuất ra sản phẩm sô-cô-la Alluvia và tự đổ khuôn sô-cô-la của riêng mình và tự do mua sắm tại khu trưng bày sản phẩm sô-cô-la Alluvia.

Trong quá trình chăm bón cây ca cao, nông dân tận dụng các chất thải nông nghiệp như rơm, cỏ, phân hữu cơ. Quá trình thu hoạch, lên men cho đến phơi nắng và sản xuất đều được thực hiện bằng phương pháp tự nhiên. Chính vì vậy, có thể nói, những thanh sô-cô-la được bày bán ở vườn ca cao Alluvia Chocolate đều là “sô-cô-la sạch”. Sau khi trải nghiệm du dịch, nhiều du khách cảm thấy rất hài lòng và chọn sản phẩm sô-cô-la mang về.

Chị Trần Thị Kim Giang, ngụ Quận 2, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi ngạc nhiên khi đến thăm vườn ca cao bởi ở vùng quê xa xôi lại có điểm sản xuất sô-cô-la và được trải nghiệm du lịch miệt vườn, đặc biệt các cháu nhỏ rất thích bởi được trực tiếp hái và thu hoạch ca cao. Tôi rất thích không khí yên bình cũng như hương vị sô-cô-la nơi đây”.

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng không chỉ mang đến lợi ích kinh tế mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam một cách hiệu quả và chân thực nhất. Tuy nhiên, do vườn nhà thuộc địa bàn nông thôn nên việc mở cửa hàng kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn. Với quyết tâm thực hiện ý tưởng mới trên chính mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Ngọc Điệp, chủ vườn ca cao Alluvia Chocolate bộc bạch: “Khi quyết định làm du lịch nông nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất, tuy nhiên với tình yêu quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi quyết tâm thực hiện ước mơ sản xuất sô-cô-la và mở thêm du lịch trải nghiệm, tôi mong muốn du khách không chỉ biết đến huyện Chợ Gạo với đặc sản là thanh long, dừa hay bưởi mà còn có loại cây trồng khác đó là ca cao”.

Loại hình du lịch nông nghiệp vườn ca cao Alluvia Chocolate ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh đang mở ra hướng phát triển mới cho huyện Chợ Gạo trong quá trình kết nối phát triển du lịch sinh thái của địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội huyện Chợ Gạo trong thời gian tới.

Bình Yên

Slideshow Image 1

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tuần hiện tại:

Tuần trước:

Tháng hiện tại:

Tháng trước:

Tổng lượt truy cập:

Check Also

Cách Sử Dụng Phân Bón Npk Cho Cây Cao Su Ở Tây Nguyên

Cây cao su là cây trồng quan trọng tại các vùng trồng cao su ở …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

%d bloggers like this: